Cây xoài
Cây xoài
KỸ THUẬT CANH TÁC CÂY XOÀI
Xoài được xem là loại trái cây “sang” bởi lẽ giá trị của nó rất cao. Xu thế các quốc gia nhập khẩu xoài thường yêu cầu với loại trái cây này không chỉ “ngon” mà còn phải “lành” (an toàn), được sản xuất theo 1 quy trình có kiểm soát khi sử dụng thuốc BVTV, phân bón hữu cơ hay hóa học… Vì vậy, nhà vườn Việt Nam cần phải có kiến thức cơ bản trong quy trình canh tác và bảo vệ thực vật phù hợp.
TÌNH HÌNH SẢN XUẤT XOÀI TẠI VIỆT NAM
- Cây xoài có tên khoa học: Mangifera indica L
- Họ: Anacadiaceae
- Bộ: Sapindales
- Nguồn gốc: ở Nam và Đông Nam Á, bao gồm miền đông Ấn Độ, Myanma, Bangladesh
- Ở Việt Nam, cây xoài là cây chủ lực ở Đông Nam bộ (Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Riạ - Vũng Tàu) và ĐBSCL, phân bố ở 6 tỉnh thành gồm Đồng Tháp (4.500 ha), Tiền Giang (2.500 ha), Vĩnh Long (2.000 ha), Hậu Giang (1.500 ha), Cần Thơ (1.250 ha) và Trà Vinh (750 ha).
- Theo SOFRI, Việt Nam có trên 45.900 ha cây xoài.
- Sản lượng trái cây xoài Việt Nam: 780 ngàn tấn/năm (2013)(*).
Hình: Bản đồ phân bố vùng trồng xoài ở Việt Nam
(*) Nguồn Niên giám thống kê các tỉnh ĐBSCL 2014
ĐẶC TÍNH THỰC VẬT CỦA CÂY XOÀI
- Rễ: Phần lớn rễ phân bố ở tầng đất từ 0-50cm ở những vùng có mực nước ngầm thấp hay đất cát, rễ có thể ăn rất sâu (6-8m). Tuy nhiên, phần lớn rễ tập trung trong phạm vi cách gốc khoảng 2m.
- Thân, tán cây: Cây thân gỗ lớn, mọc khỏe, cao 10-20m, có tán rậm. Ở những nơi trảng, chiều cao cây và tán cây có đường kính tương đương. Tán cây lớn hoặc nhỏ tùy theo giống.
- Lá và cành: Lá đơn, nguyên, mọc so le, phiến lá hình thuôn mũi mác, nhẵn, thơm.
Một năm, xoài có thể ra 3-4 đợt chồi tùy theo giống, tuổi cây, thời tiết và tình hình dinh dưỡng; cây con ra nhiều đợt chồi hơn so với cây đang cho quả; cây già rất khó ra chồi. Lá non sau 35 ngày mới chuyển xanh hoàn toàn, mỗi lần ra lá, cành xoài dài thêm 20-30cm.
Hình: Hình thái của hoa, lá và trái xoài.
- Hoa: Hoa hợp thành chùm kép ở ngọn cành, chùm hoa dài khoảng 30cm, có 200-400 Mỗi chùm thường có 2 loại hoa: hoa lưỡng tính và hoa đực. Tỉ lệ hoa đực và hoa lưỡng tính trên cây phụ thuộc vào giống và điều kiện khí hậu ở địa điểm trồng. Thường thì hoa lưỡng tính chiếm từ 1-36%. Xoài là cây thụ phấn chéo, thụ phấn nhờ côn trùng là chủ yếu. Thời gian tiếp nhận hạt phấn của nhụy rất ngắn, chỉ sau vài giờ. Ở xoài nhụy thường chín trước, thời gian tốt nhất để nhụy tiếp nhận hạt phấn là lúc mặt trời mọc, trong khi đó nhị đực tung phấn chỉ vào khoảng 8-10 giờ sáng. Sự không trùng hợp này là nguyên nhân cản trở sự thụ phấn và thụ tinh của xoài. Hoa nhỏ, màu vàng, có 5 lá đài nhỏ, có lông ở mặt ngoài, 5 cánh hoa có tuyến mật, 5 nhị nhưng chỉ có 1-2 nhị sinh sản. Bầu trên, thường chỉ có một lá noãn chứa 1 noãn. Cây thuộc dạng quả hạch, chín màu vàng, thịt vàng, ngọt, thơm, nhân có xơ. Hạt rất to.
- Quả: xoài chín có màu vàng hấp dẫn, có vị chua ngọt, mùi thơm ngon. Xoài chín được ăn tươi, đóng hộp, làm nước trái cây, mứt kẹo, kem, sấy khô để tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu.
Hình: Hình thái của hoa và trái xoài.
QUẢN LÝ SÂU, NHỆN HẠI XOÀI
Rầy bông xoài (Idioscopus spp.)
Khả năng gây hại
Triệu chứng bị hại do rầy bông xoài gây ra rất dễ nhận diện do rầy thường hiện diện trên bông và lá non (trước khi trổ bông). Khi bị hại, có thể quan sát thấy bông khô, nâu và rụng, cả phát hoa có thể bị rụng toàn bộ bông, chỉ còn trơ trụi lại cành nhỏ. Ngoài ra, sự hiện diện của nấm bồ hóng trên bông, lá, cành và trên trái non cũng là một triệu chứng rất điển hình.
Biện pháp quản lý
Sau khi thu hoạch cần tiến hành tỉa cành, vệ sinh vườn cho vườn được thông thoáng.
Dùng bẫy đèn để thu hút diệt rầy trước khi ra bông.
Nên phun ngừa vào giai đoạn xoài vừa ra nụ hoa khi phát hiện có sự hiện diện của rầy trên lá. Có thể sử dụng các loại thuốc đặc trị như Chess 50WG…
Hình: (A) Con trưởng thành rầy bông xoài; (B) Ấu trùng rầy bông xoài (C) Con ấu trùng trên phát hoa xoài; (D) Rầy gây ra bồ hóng trên lá.
Nhện đỏ (Oligonichus sp.)
Khả năng gây hại
Nhện đỏ sống tập trung ở mặt dưới những lá đã chuyển sang màu xanh, chích hút dịch lá, trái làm cho lá có màu đồng hoặc xám bạc và làm vỏ trái sần sùi gây hiện tượng da cám. Dọc gân chính của lá có nhiều vết lấm tấm nhỏ, đó là lớp da cũ của nhện sau lột xác còn để lại. Nhện đỏ phát triển mạnh khi thời tiết nắng nóng, quan sát kỹ mặt dưới lá sẽ thấy chúng di chuyển.
Biện pháp quản lý
- Dùng vòi nước áp lực cao phun phía dưới mặt lá.
- Bảo tồn thiên địch để hạn chế được sự bộc phát của nhện.
- Khi mật số nhện cao, có thể sử dụng thuốc hóa học để phòng trị.
- Phun các hoạt chất đặc trị như hỗ hợp (Abamectin + Chlorantraniliprole)…
Hình: Nhện đỏ trưởng thành.
Rệp sáp (Pseudoccoccus sp.)
Khả năng gây hại
Có nhiều loài rệp sáp gây hại trên xoài nhưng quan trọng là loài gây hại trên trái vì chúng gây ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất và giá trị thương phẩm của trái.
Rệp sáp ở mặt dưới lá, chích hút nhựa lá non, cuống trái, chất thải của rệp tạo điều kiện nấm bồ hống phát triển làm cho trái chậm lớn.
Biện pháp quản lý
- Cắt tỉa tiêu hủy cành lá bị hại và tạo điều kiện thông thoáng cho vườn.
- Bảo tồn thiên địch như: ong ký sinh và bọ rùa... để hạn chế rệp sáp.
- Dùng thuốc hóa học có hoạt chất ..
Hình: (A) Rệp sáp gây hại trên trái; (B) Rệp sáp gây hại trên cuống trái.
Rệp dính (vảy) (Saissetia hemisphoerica)
Khả năng gây hại
Rệp vẩy có màu nâu đen, hình bán cầu, tập trung ở sát 2 mé các gân chính và phụ, mặt trên của lá, cậy vẩy lên và bóp nhẹ thì có nước nhầy màu đỏ.
Rệp vẩy chích hút nhựa cây và bài tiết mật làm xuất hiện nấm bồ hóng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quang hợp. Kiến đen và ong ngoài ăn theo còn phát tán trứng hoặc mầm mống của rệp đi khắp cây. Ngoài ra, rệp vẩy còn lan truyền nhờ gió mưa và các hoạt động của con người.
Rệp phát sinh từ tầng tán thấp trở lên, ở cây tốt sum suê.
Biện pháp quản lý
- Vặt tỉa sát cuống những lá có nhiều rệp đu bám và tập trung đem đốt tiêu hủy, đồng thời cần cắt tỉa cành lá nhằm tạo độ thông thoáng.
- Cần tưới bù nước ngày 1 lần, trong 10 ngày liền.
- Dùng thuốc hóa học có hoạt chất ..
Hình: Rệp vẩy trên trái xoài.
Rầy mềm (Toxoptera sp.)
Khả năng gây hại
Rầy trưởng thành và rầy non tập trung bu bám ở mặt dưới của những lá non, cành non, đọt non, nụ hoa, hoa và cả trái non để chích hút nhựa làm cho chồi non, lá non biến dạng, lá cong queo, còi cọc, không phát triển được, giảm khả năng tăng trưởng của cây. Nụ hoa, hoa và trái non không phát triển, nếu nặng sẽ bị vàng, khô héo và rụng. Cũng giống như nhiều loài rầy rệp khác, ngoài gây hại trực tiếp thì trong chất bài tiết của rầy còn có chứa nhiều chất đường mật, đây là môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng phát sinh, phát triển phủ kín cả cành, lá ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình quang hợp của cây.
Biện pháp quản lý
- Cắt tỉa cành lá có nhiều rệp bám và tập trung đem đốt tiêu hủy.
- Cần tưới bù nước cho cây.
- Theo dõi vườn thường xuyên, nhất là vào các đợt cây ra đọt, lá non, ra hoa và trái non…nếu thấy rầy có mật số cao thì sử dụng thuốc hóa học có hoạt chất Pymetrozin...
Hình: (A) Rầy mềm sống thành quần thể trên các bộ phận cây trồng; (B) Bọ rùa - Thiên địch của rầy mềm.
Sâu đục trái (hột) xoài (Deanolis albizonalis)
Khả năng gây hại
- Trưởng thành hoạt động chủ yếu về đêm, ban ngày ẩn trốn dưới các lá cây. Trưởng thành thích đẻ trứng trên những quả khuất ánh sáng.
- Trứng được đẻ trên quả đậu khoảng 30-45 ngày và kéo dài cho đến khi thu hoạch. Thường mỗi quả có từ 1-2 con, nhưng vào những lúc bị nhiễm nặng có thể tới 4-5 con trong một quả. Quả bị sâu hại, ở phần chóp quả có một chất lỏng tiết ra ở vết đục và nhanh chóng hình thành một chấm đen. Sâu tấn công chủ yếu là phần hột. Các đường đục sẽ tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn, ruồi… phát triển làm cho quả xoài bị thối nhanh chóng.
- Sâu non đẩy sức rơi xuống đất để hóa nhộng trong 1 cái kén bằng tơ và đất.
Biện pháp quản lý
- Thu lượm những quả bị hại đem tiêu hủy để loại bỏ nguồn sâu trong quả.
- Sau thu hoạch có thể cho nước ngập mặt vườn khoảng 36-48 giờ để diệt nhộng.
- Nuôi thả kiến vàng.
- Bao quả bằng bao giấy dầu, bao keo mỏng, bao bằng vải.
- Phun thuốc khi sâu non mới nở còn ở bên ngoài quả, có thể sử dụng các hoạt chất Emamectin, Lufenuron…
Hình: (A) Con trưởng thành sâu đục hột xoài; (B) Nhộng; (C) Ấu trùng trong hột xoài.
Bọ trĩ (Scirtothrips dorsalis Hood)
Khả năng gây hại
Thành trùng có kích thước rất nhỏ 0,1-0,2 mm, khó nhìn thấy bằng mắt thường. Cả trưởng thành và ấu trùng đều tập trung ở bộ phận non của cây để chích hút nhựa. Trên lá non, làm lá thâm đen và cong queo, mép lá cụp xuống, trên trái tạo thành vùng da cám xung quanh cuống trái và tạo vết thương giúp vi khuẩn xâm nhập gây bệnh xì mủ trái, gây hại nặng có thể làm cho cả hoa xoài cháy khô. Bù lạch phát triển mạnh khi thời tiết nắng nóng, sinh sản rất nhanh nên rất mau kháng thuốc.
Biện pháp quản lý
- Dùng vòi nước áp lực cao phun phía dưới mặt lá.
- Dùng dầu khoáng DS 98.8 EC + Chess 50WG phun lúc cây ra đọt và lá non giúp ngừa được cả rầy bông xoài và sâu đục đọt xoài, không phun dầu khoáng giai đoạn hoa đang nở. Phun đồng loạt trên khu vực rộng sẽ có hiệu quả cao hơn.
Hình: (A) Scirtothrips dorsalis; (B) Frankinella sp.; (C) Bọ trĩ gây hại làm xoắn chồi non; (D) Lá bị bọ trĩ gây hại; (E) Chồi non bị hại; (F) Bọ trĩ gây hại làm xoắn chồi non.
Ruồi đục trái (Bactrocera dorsalis)
Khả năng gây hại
- Ruồi trưởng thành màu vàng, cánh trong, hoạt động vào ban ngày, đẻ trứng lên quả phần tiếp giáp giữa vỏ và thịt quả, trứng hình quả chuối màu trắng ngà sau chuyển sang màu vàng nhạt. Giòi nở ra đục vào trong ăn thịt trái, vỏ trái nơi ruồi đục vào có màu đen, mềm, ứ nhựa, tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công làm thối trái và có thể bị rụng hoặc vẫn đeo trên cây. Ruồi làm nhộng trong đất quanh gốc cây, sau đó vũ hóa, chui lên mặt đất.
- Ruồi tấn công lên nhiều loại cây trồng, trái xoài bị ruồi đục làm giảm giá trị thương phẩm, chất lượng và không xuất khẩu được.
Biện pháp quản lý
- Phải sử dụng bao trái.
- Không trồng xen các loại cây ăn trái khác trong vườn xoài.
- Thu, hái và đem tiêu hủy toàn bộ trái rụng trên mặt đất và trái còn đeo trên cây vì là nơi ruồi lưu tồn.
- Phun mồi protein thủy phân: Do ruồi cái thích ăn protein để phát triển trứng, ruồi đực phát triển tinh trùng, nên có thể dùng bả mồi protein để diệt ruồi. Pha 4-5cc Karate 5EC với 55cc mồi protein trong 1 lít nước. Phun 200cc hỗn hợp này cho 1 cây, phun theo từng điểm (tránh phun trùm lên cả tán cây), để dẫn dụ và diệt ruồi. Đây là phương pháp hiệu quả và có thể áp dụng đồng loạt cả khu vực.
- Dùng Vizubon-D bẫy ruồi đực và phun thuốc có hoạt chất Cyromazine khi ruồi mới đẻ trứng hay giòi mới nở
Hình: (A) Giòi (ấu trùng) đục vào trái; (B) Ruồi trưởng thành.
Câu cấu xanh lớn (Hypomeces squamosus)
Khả năng gây hại
- Tác hại chủ yếu là do bọ lớn ăn khuyết lá, cắn đứt chồi non và rụng hoa, nếu mật độ cao, chúng sẽ ăn lá xơ xác.
- Bọ cánh cứng màu xanh vàng có ánh kim nhũ, chúng có thể sống và phá hại hàng tháng. Trứng hình bầu dục dài 1mm, màu trắng ngà. Sâu non màu trắng sữa, mình hơi cong, không có chân ngực và chân bụng. Nhộng trần màu trắng ngà, dài 10mm, có mầm vòi rõ rệt
- Bọ lớn ban ngày ẩn trong tán lá hoặc dưới đất, đẻ trứng rãi rác từng quả trên mặt đất quanh gốc cây, sâu non sống trong đất, ăn chất hữu cơ mục nát hoặc rễ cây. Hóa nhộng trong đất.
Biện pháp quản lý
- Dùng tay hoặc vợt bắt bọ lớn khi chúng phát sinh nhiều. Ở vườn thường bị hại nên dùng các loại thuốc hạt rải quanh gốc cây 1-2 lần một năm vào đầu và cuối mùa mưa.
Hình: (A) Câu cấu trưởng thành; (B) Câu cấu gây hại trên lá xoài.
SÂU ĐỤC CÀNH (Chlumetia transversa)
Khả năng gây hại
Thành trùng màu nâu, cạnh ngoài cánh trước có những sọc ngang gẫy khúc rất rõ và sát rìa cánh có một hàng chấm đen. Chúng đẻ trứng trên chồi non hoặc trên lá. Trứng nhỏ, mới đẻ có mầu trắng nhưng trở nên nâu khi sắp nở. Ấu trùng có màu hồng, thời gian ủ trứng: 2- 4 ngày, ấu trùng có 5 tuổi. Chúng đục vào trong chồi non và bông, chồi bị hại thường bị héo, khô và không cho bông. Nếu sâu tấn công trên chùm bông sẽ làm bông bị rụng.
Biện pháp quản lý
- Cắt tỉa gom cành bị sâu hại đốt để diệt sâu, nhộng bên trong.
- Theo dõi các đợt cây ra tược non và phun thuốc trừ sâu.
- Có thể phun các loại thuốc có hoạt chất Lufenuron, Emamectin hay các hỗn hợp (Chlorantraniliprole + Abamectin)...
Hình: (A) Trưởng thành – Sâu non – Nhộng sâu đục cành; (B) Vết đục trên đọt non.
Bọ cắt lá (Deporaus marginatus)
Khả năng gây hại
Thường gây hại nặng trong vườn ươm hoặc ở vườn xoài mới ra đọt non vào mùa khô. Thành trùng thường đẻ trứng trên bìa lá non hoặc dọc theo gân chính của lá vào ban đêm, sau đó bọ cắn lá như cắt ngang chừa 1/3 lá trên cây, trứng sẽ theo 2/3 lá cắt rơi xuống đất, sau 2 ngày ấu trùng sẽ nở ra, ăn phần lá rơi và hóa nhộng dưới mặt đất. Bọ cắt lá gây ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và ra hoa, do bị làm giảm diện tích lá.
Biện pháp quản lý
- Điều khiển cây ra đọt non đồng loạt.
- Thu dọn các lá bị hại trong vườn đem tiêu hủy.
- Diệt ấu trùng bằng cách thu gom và hủy diệt các lá bị cắt ở dưới đất. Với các vườn bị nặng nên cày đất ở phía dưới tán lá cây bị nhiễm, để diệt nhộng trong đất. Phun lên lá non bằng các thuốc có hoạt chất Emamectin...
Hình: (A) Vòng đời của bọ cắt lá; (B) Bọ cắt lá gây hại; (C) Bọ cắt lá gây hại; (D) Lá bị cắt rơi rụng; (E) Vết gây hại trên lá; (F) Ấu trùng bọ cắt lá; (G) Ấu trùng trước làm nhộng.
Bù xè hại thân cành (Plocaederus ruficoruis)
Khả năng gây hại
Thường khi thấy thân cành héo khô, gãy chết mới có thể phát hiện các lổ đục trên.
Trứng tròn, màu trắng được đẻ rải rác trong các vết nứt của vỏ cây. Trứng nở trong thời gian từ 2-3 ngày. Ấu trùng dài, trắng sữa, đầu nhỏ, không chân, rất linh động. Trong quá trình gây hại, ấu trùng đục những đường hầm bên trong thân và cành cây. Chúng có thể sống đến 7-8 tháng trong thân cây. Trong một cây có thể có nhiều con cùng gây hại. Trước khi làm nhộng, ấu trùng đục một lổ để khi vũ hóa chui ra. Nhộng được bao bọc bởi một cái kén trắng to. Thời gian làm nhộng có thể từ 1-3 tháng.
Thành trùng có râu cứng, rất dài. Cơ thể phủ lông màu xám rất nhỏ, màu đỏ nâu, chân cũng có màu đỏ tuy nhiên phần đầu của đốt đùi và phần cuối của đốt chày lại có màu đen. Thành trùng thường bị thu hút bởi ánh sáng đèn vào đầu mùa mưa sau khi vừa trưởng thành.
Biện pháp quản lý
Không nên chặt, băm hay lột vỏ cây để tạo nơi thuận tiện cho thành trùng cái đến đẻ trứng. Chặt bỏ những cành hư rồi gom lại và đốt. Dùng bẫy đèn để bắt bớt thành trùng.
Nếu cây bị hại nhẹ có thể dùng cây xoi lổ sau đó nhét thuốc trừ sâu dạng hột vào bên trong thân cây và trét đất lại. Đối với cây xoài bị hại nặng, dùng dao lần theo lớp vỏ cây bên trong bị sâu ăn trên thân tìm vết đục thành lổ sâu trong thân cây. Dùng thuốc hạt gói vào trong 1 lớp vải mỏng rồi nhét vào lổ sâu đục, xong dùng đất trét kín miệng lổ lại. Sử dụng thuốc có tính năng lưu dẫn, xông hơi, thấm sâu… phun lên bề mặt lớp vỏ thân cây nhằm diệt ấu trùng và phun định kỳ 10-15 ngày/lần.
Hình: (A) Vết đục rỉ nhựa trên thân cây; (B) Ấu trùng bù xè đục thân cây; (C) Con trưởng thành; (D) Bù xè gây hại làm chết cả cây.
Bọ đục cành (Alcicodes sp.)
Khả năng gây hại
Con trưởng thành dạng bọ vòi voi màu đen, đầu dài, râu hình dùi đục gây hại rất phổ biến trên xoài. Chúng dùng vòi đục nhiều lổ liên tiếp, thẳng hàng trên cành non, gần các lá non và đẻ trứng, sâu non trắng đục, đầu vàng nâu.
Sâu non đục bên trong cành và hướng vào thân cây, làm đọt bị chết khô, sau đó, làm nhộng ngay trong cành bị đục. Sâu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng, ra hoa và năng suất của cây.
Biện pháp quản lý
- Điều khiển cây ra đọt non đồng loạt.
- Cắt đem tiêu hủy cành bị chết để diệt nhộng.
- Dùng bẫy đèn bắt bướm.
- Tiêm vào lổ những loại thuốc có tính xông hơi mạnh.
Hình: (A) Chồi non; (B) Con trưởng thành gây hại trên lá; (C) Chồi non bị hại; (D) Ấu trùng; (E) Ấu trùng gây hại trong đọt non.
Nguồn Syngenta Việt Nam
AnBIO.vn
Bài viết cùng danh mục:
- 0 Bình luận