Quy trình kỹ thuật trồng hoa cúc chậu

THÔNG TIN CHUNG

1. Nhóm tác giả: KS. Phan Ngọc Diệp, ThS. Bùi Thị Hồng, ThS. Chu Thị Ngọc Mỹ, TS. Trịnh Khắc Quang, TS. Đặng Văn Đông

2. Cơ quan tác giả: Viện Nghiên cứu Rau quả

3. Nguồn gốc xuất xứ:

Từ kết quả nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu tuyển chọn giống và biện pháp kỹ thuật sản xuất một số chủng loại hoa chậu có giá trị cao ở các tỉnh phía Bắc”. 

4. Phạm vi áp dụng:

Áp dụng cho vùng Đồng bằng sông Hồng

5. Đối tượng áp dụng:

Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất hoa cúc chậu


QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG HOA CÚC CHẬU

I. Giới thiệu chung
Hoa cúc là một trong những loại hoa được ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao, màu sắc đa dạng, bảo quản và vận chuyển dễ dàng. Bên cạnh hoa cúc cắt cành truyền thống, hiện nay hoa cúc trồng chậu với ưu điểm tươi lâu, thời gian sử dụng dài, có thể đáp ứng được nhiều mục đích sử dụng khác nhau như trang trí trong gia đình, trang trí tiền sảnh hay ngoài trời, đang được phát triển ở nước ta với quy mô, diện tích ngày càng cao. 

II. Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cúc chậu
1. Thời vụ trồng
Trồng hoa cúc chậu vào vụ Đông xuân: Trồng tháng 10 hoa cúc chậu đạt năng suất và chất lượng hoa tốt nhất, thu hoa chậu vào đúng dịp tết nguyên đán, nâng cao giá trị kinh tế.
2. Chuẩn bị nhà che
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế, chúng ta nên trồng hoa cúc chậu trong nhà có mái che; có thể dùng nhà lưới hiện đại, nhà lưới đơn giản hoặc nhà che tạm tuỳ theo điều kiện canh tác.
3. Giá thể trồng
Yêu cầu giá thể: tơi xốp, khả năng giữ nước và thoát nước tốt, sạch nấm bệnh và vi khuẩn.
Giá thể là hỗn hợp gồm ½ đất phù sa +  ¼ phân chuồng + ¼  xơ dừa cho năng suất và chất lượng hoa cúc chậu là lớn nhất 
Phun đều Ridomil (nồng độ 3g/lít) để xử lý nấm bệnh trong giá thể trước khi trồng.
4. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
4.1. Tiêu chuẩn cây giống
Sử dụng cây cúc từ giâm cành, tiêu chuẩn: Chiều cao cây 5- 7cm; Số lá: 5-7 lá; đường kính thân 0,2cm; dài rễ: 0,5-3cm; số rễ: >4cm.
4.2. Kỹ thuật trồng
Tùy thuộc vào kích thước, kiểu dáng khác nhau mà lựa chọn số cây để trồng trong chậu cho phù hợp. Chậu có kích thước 30x 15x 20cm ( chiều cao x đường kính đáy x đường kính miệng chậu) có thể trồng 5 cây/chậu.
Cách trồng: Cho giá thể đã xử lý nấm bệnh vào chậu cao cách miệng chậu 5cm. Trồng các cây sao cho cây phân bố đều xung quanh chậu để tán cây đều, không trồng cây quá sát vào thành chậu. Nên trồng cây vào buổi chiều, sau khi trồng tưới đẫm nước. Xếp chậu cách chậu 10 -15cm (tính từ mép chậu).
4.3. Điều tiết sinh trưởng cho hoa cúc
Nếu trồng cúc chậu vào thời vụ tháng 11, cần chiếu sáng bổ sung liên tục trong 10 ngày sau trồng (4h mỗi ngày từ 22h đến 2h sáng hôm sau), cứ 6m2 đặt 1 bóng 75W, chiều cao bóng đèn từ 0,8- 1m so với ngọn cây. 
4.4. Kỹ thuật tưới nước
Khi mới trồng xong để cây dễ bén rễ hồi xanh nên tưới 2 lần/ngày. Sau đó tưới nước để duy trì ẩm độ đất 65-70% để cây sinh trưởng phát triển.
4.5. Kỹ thuật bón phân
Sau trồng 2 tuần thì tiến hành bón thúc cho cây. Thường sử dụng phân bón Đầu trâu (20-20-15 + TE) với liều lượng 2kg phân/200lít nước cho 100m2 .Định kỳ 10 ngày tưới 1 lần.
Ngoài ra có thể dung thêm chất kích thích sinh trưởng Atonik 1,8DD phun cho cây với liều lượng 10ml/bình 8 lít nước, 10 ngày phun một lần để bổ sung dinh dưỡng cho cây, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.
5. Thu hoạch, bảo quản và sử dụng hoa chậu
Khi nụ hoa bắt đầu chuyển màu và hé nở thì có thể đem đi sử dụng. Nếu vận chuyển đi xa dùng dây buộc tán hoa vào để tránh ảnh hưởng đến chất lượng hoa. Xếp các chậu khít nhau để giảm va đập khi vận chuyển. 
Trong quá trình sử dụng, tùy thuộc vào thời tiết nhưng thông thường 3 ngày tưới nước 1 lần, mỗi lần tưới 500ml/chậu. Chỉ tưới nước vào gốc cây, tránh tưới nước lên hoa để tăng tuổi thọ của hoa.
6. Phòng trừ sâu bệnh
6.1. Sâu hại
6.1.1. Rệp : - Triệu chứng: Thường làm cho cây còi cọc, ngọn quăn queo, nụ bị thui, hoa không nở được hoặc dị dạng, gây hại nặng ở vụ Xuân hè và Đông xuân. 
- Phòng trừ: Có thể dùng Karate 2,5 EC liều lượng10 - 15 ml/bình 10lít, MARSHAL 200 SC hoặc Movento 150 OD.
6.1.2. Sâu vẽ bùa : - Triệu chứng: Sâu non nằm dưới biểu bì lá, lấy thức ăn tạo thành đường ngoằn ngoèo màu trắng, phá hoại tế bào và diệp lục. 
- Phòng trừ: Dùng bẫy màu vàng dẫn dụ con trưởng thành. Sử dụng thuốc có chất bám dính mạnh như MARSHAL 200 SC, Supathion 40 EC liều lượng 15- 20ml/ bình 10 lít …
6. 2. Bệnh hại
6. 2.1. Bệnh đốm lá : -  Triệu chứng: Vết bệnh thường có dạng hình tròn hoặc bất định màu nâu nhạt hoặc nâu đen, nằm rải rác ở mép lá hoặc gân lá. Bệnh phát triển mạnh khi độ ẩm cao.
- Phòng trừ: Score 250EC liều lượng 10ml/bình 10 lít, 10 ngày phun 1 lần.
6.2.2. Bệnh gỉ sắt : - Triệu chứng: Vết bệnh dạng ổ nổi, màu gỉ sắt hoặc da cam, thường xuất hiện ở cả 2 mặt lá, bệnh nặng làm cháy lá, lá vàng, rụng sớm. 
- Phòng trừ: Sử dụng Tenem 80WP, Anvil 5 SC liều lượng 5-10ml/bình 10 lít, thuốc có chứa gốc lưu huỳnh Ok Sulfolac 85SC...

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận