KỸ THUẬT CANH TÁC CÂY THANH LONG


Thời gian gần đây diện tích thanh long không ngừng tăng nhanh tại những vùng chuyên canh loại cây đặc sản này. Nguyên nhân do giá của loại trái cây này tăng cao, thị trường tiêu thụ được mở rộng…Tuy nhiên, áp lực dịch hại cũng theo đà phát triển như các bệnh nám cành, nấm trắng, tuyến trùng gây hại… Người nông dân cần có 1 quy trình canh tác hợp lý và giải pháp bảo vệ cây trồng của mình hiệu quả hơn.


TÌNH HÌNH SẢN XUẤT THANH LONG TẠI VIỆT NAM  

  • Cây thanh long có tên khoa học: Hylocereus sp.
    • Họ: Cactaceae
    • Bộ: Hylocereus
  • Thanh long có nguồn gốc ở các vùng sa mạc Mexico và Colombia. Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á trồng và xuất khẩu thanh long.
  • Theo số liệu của Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, năm 2014, diện tích thanh long cả nước đạt hơn 28.700 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 23.820 ha. sản lượng ước 520.000 tấn/năm. Bình Thuận là tỉnh sản xuất thanh long lớn nhất với diện tích trên 21.000 ha, tổng sản lượng khoảng 400.000 tấn, chiếm hơn 71% diện tích thanh long toàn quốc.


Ngoài Bình Thuận, thanh long còn được trồng ở các tỉnh Long An, Tiền Giang...


ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT CÂY THANH LONG

Cây thanh long có dạng thân leo, có rễ khí sinh, bám vào cây to hoặc trên bờ tường. Quả to hình trái xoan, nặng bình quân 300-500g. Quả thanh long có vị ngọt, mát, mềm, hơi chua, có chất bổ máu, có giá trị xuất khẩu, năng suất bình quân 10 tấn quả/ha/vụ.

Hình: Hình thái cây thanh long


KỸ THUẬT CANH TÁC THANH LONG

  1. CHỌN GIỐNG THANH LONG

Đối với cây thanh long, cây giống cũng là yếu tố quan trọng cần đảm bảo:

  • Chọn giống có nguồn gốc rõ ràng và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
  • Giống tự sản xuất phải có hồ sơ ghi chép đầy đủ quá trình xử lý: tên người xử lý, mục đích xử lý, hom giống, thời gian và thuốc BVTV sử dụng…
  • Giống không tự sản xuất phải có hồ sơ ghi rõ: tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân, thời gian cung cấp, số lượng, chủng loại…
  • Cành được chọn giâm phải là cánh tốt, khỏe
  • Cần chọn các cành có gốc cành đã bắt đầu hóa gỗ để hạn chế sâu bệnh
  • Tuổi cành 12-24 tháng
  • Chiều dài cành tốt nhất từ 40-50cm
  • Cành khỏe mạnh, có màu xanh đậm, không nhiễm bệnh
  • Các mắt trên cành có gai phải tốt
  • Khi giâm cành phải chọn nơi thoáng mát có thời gian trước đó 20-30 ngày trước khi trồng.

 Hom thanh long

Hình: (A) Vườn thanh long có thể được dùng làm giống; (B) Hom thanh long chuẩn bị trồng; (C) Hom thanh long được trồng vào bầu.


  1. CÁC GIỐNG THANH LONG TẠI VIỆT NAM

Thanh long ở Việt Nam có ba giống: dạng quả tròn, quả dài, quả chôm chôm (quả nhỏ). Dạng quả tùy thuộc vào điều kiện sinh thái, nhất là chế độ ánh sáng và chế độ chăm sóc. Thanh long Việt Nam là loại thanh long ruột trắng, giống thuần do nhân vô tính bằng hom. Có hai giống ruột đỏ và ruột vàng, hiện đang trồng và theo dõi, sức sinh trưởng của hai giống mới nhập yếu hơn. Giống ruột đỏ và ruột vàng có quả nhỏ hơn và vỏ dày hơn.

Hình 2: (A) Thanh long vỏ đỏ, ruột trắng (Hylocereus andatus); (B) Thanh long vỏ đỏ, ruột đỏ (Hylocereus sp.); (C) Thanh long vỏ tím, ruột tím (Hylocereus sp.); (D) Thanh long vỏ vàng, ruột trắng (Hylocereus megalanthus).

Hình: (A) Thanh long vỏ đỏ, ruột trắng (Hylocereus andatus); (B) Thanh long vỏ đỏ, ruột đỏ (Hylocereus sp.); (C) Thanh long vỏ tím, ruột tím (Hylocereus sp.); (D) Thanh long vỏ vàng, ruột trắng (Hylocereus megalanthus).


  1. ĐẤT VÀ THỜI VỤ TRỒNG

Đất trồng

Thanh Long dễ sống, dễ trồng, mọc được trên nhiều loại đất khác nhau như đất xấu, khô cằn, đất cát mặn, đồi, ruộng không ngập nước, nơi có nguồn nước tưới… tiêu biểu như vùng đất xám bạc màu (Bình Thuận), đất phèn và phù sa (ĐBSCL), đất đỏ (Long Khánh, Đồng Nai)… Tuy nhiên, Bình Thuận là địa phương tỏ ra là vùng trồng thích hợp nhất.

Thời vụ trồng

Tùy theo từng địa phương, có thể trồng vào đầu vụ xuân hoặc cuối vụ mưa. Tuy nhiên, cây thanh long có nguồn gốc nhiệt đới nên chịu hạn giỏi, nhưng không chịu được giá lạnh, vì thế cần ủ ấm cho cây vào mùa đông.

Hình 3: Thanh Long sống được trên nhiều loại đất khác nhau.

Hình: Thanh Long sống được trên nhiều loại đất khác nhau.


  1. CHUẨN BỊ ĐẤT TRỒNG THANH LONG

Việc chuẩn bị đất trồng rất quan trọng cho cây phát triển từ giai đoạn đầu. Thanh long phát triển tốt nhất trên vùng đất cát hay đất thịt pha cát có tầng đất canh tác dày (từ 1,5-2m), thoát nước tốt, không có bão và hệ thống đê bao chống lũ.

  • Đất cao:

Công việc chuẩn bị đất tương đối đơn giản: cắm cọc, đào lỗ xuống trụ. Sau khi chôn xong trụ thì đào âm quanh trụ sâu độ 10 - 20 cm, đường kính 1,5 m, bón lót phân chuồng rồi phủ lớp đất mặt lên sau đó đặt hom.

  • Đất thấp:

Chiều cao mặt líp so với mặt nước trong mương độ 40 cm, để đề phòng trong mùa mưa nước có thể dâng cao ngang mặt liếp nhất là ở những nơi thấp thì cần phải làm thêm mực trước khi xuống giống.

Hình 4: (A) Đào rảnh thoát nước trong mùa mưa; (B) Lên luống cao tránh ngập úng cho vườn thanh long.

Hình: (A) Đào rảnh thoát nước trong mùa mưa; (B) Lên luống cao tránh ngập úng cho vườn thanh long.


  1. MẬT ĐỘ TRỒNG THANH LONG

Khoảng cách trồng: (3 x 3 x 3.5)m, hố đào sâu 20cm, rộng 20-30 cm, trồng 4-5 hom giống thanh long/trụ, độ dài hom giống 60-80cm.

Cây làm trụ 2.8 m, đường kính 15 cm, cọc có thể bằng xi măng hoặc bằng gỗ, trên đầu cọc cần phải làm giàn chữ thập cho cây bò. Sau khi trồng, cần ủ rơm rạ, rác mục và tưới nước xung quanh gốc.

Thanh long có khả năng thích ứng với các đất có độ chua (pH) rất khác nhau, nhưng do xuất xứ từ vùng khô hạn nên pH gần trung tính (trên dưới 6) sẽ thích hợp hơn cho cây phát triển.

Hình 5: (A) Trồng trụ trồng thanh Long; (B) Làm hố và trồng thanh Long; (C) Lên liếp trồng thanh Long.


Hình: (A) Trồng trụ trồng thanh Long; (B) Làm hố và trồng thanh Long; (C) Lên liếp trồng thanh Long.


  1. BÓN PHÂN (*)

Kiến thiết cơ bản (KTCB):

Bón lót: Phân chuồng hoai/phân hữu cơ giàu humat + vôi hay phân lân nung chảy.

Bón thúc: N & P cao, K trung bình/thấp; Độ pH đất = 5,5-6,5

Năm thứ 1: Bón 1kg/trụ phân khoáng hữu cơ + 0,5kg/trụ phân trung lượng TL (Chánh Hưng) 2 lần, vào trước khi trồng và 6 tháng sau trồng. Bón phân NPK 20-20-15 (Chánh Hưng) với liều 80g/trụ vào lúc 1 tháng sau trồng, và sau đó định kỳ 1 tháng/lần.

Năm thứ 2: Bón 1,5kg/trụ phân khoáng hữu cơ + 1kg/trụ phân trung lượng TL (Chánh Hưng) 2 lần, vào đầu và cuối mùa mưa. Bón phân NPK 20-20-15 (Chánh Hưng) với liều 150g/trụ theo định kỳ 1 tháng/lần.

Thời kỳ kinh doanh (TKKD):

Bón phân hữu cơ và vôi hàng năm

Trong thời gian nuôi cành, tạo tán: N cao, P vừa và K thấp.

Phân hóa mầm hoa: N trung bình, P cao và K trung bình.

Bón 2kg/trụ phân khoáng hữu cơ + 1-1,5kg/trụ phân trung lượng TL (Chánh Hưng) 2 lần, vào đầu và cuối mùa mưa.

Ghi chú: phân chuyên dùng cho thanh long là Thanh Long 1.4 (17-17-17 TL) và Thanh Long 5.8 (18-10-18 TL) theo các thời kỳ.

(*) Bón phân (Theo Trung Tâm Thanh Long và Công Ty phân bón Chánh Hưng)

Để cây ra hoa tự nhiên:

Giai đoạn kiến thiết cơ bản: (1-2 năm đầu)

Tổng lượng phân bón thúc: 30 kg Urea + 20 kg NPK (16-16-8)/100 trụ/năm.

  • Sau trồng 15 - 20 ngày: thúc 1/3 lượng phân
  • Tháng 3-4 năm sau: thúc 1/3 lượng phân
  • Tháng 6-7: thúc 1/3 lượng phân còn lại

Ngoài ra, có thể bổ sung các phân vi lượng bằng cách phun hoặc tưới.

Giai đoạn kinh doanh: Năm thứ 3 trở đi: chú trọng Kali .

Lượng phân: P/chuồng: 15-50kg + Super lân 0,5 kg + Urea: 0,5kg + NPK (16-16-8):1,5kg + KCl: 0,5kg.

Chia phân ra làm 3 lần:

  • Lần thứ 1: sau khi tỉa cành (tháng 10 - 11) gồm: 100% phân chuồng + 100% Super lân + 1/3 Urea.
  • Lần thứ 2: cách lần thứ l độ 40 ngày gồm 1/3 Urea + 1/5 NPK + 1/2 KCl
  • Lần thứ 3: vào tháng 3 gồm 1/3 Urea + 2/5 NPK + 1/2 KCl thúc đợt cành cuối và thúc hoa cành thứ 1.

Sau ba lần thúc thì trụ thanh long có 3 - 4 lớp cành và đợt nụ đầu tiên xuất hiện, lớp nụ và quả kế tiếp lớp nụ và quả kia, cần quan sát sự ra hoa và năng suất mà bón bổ sung NPK cho hết 2/5 còn lại bằng cách chia nhỏ, rải làm nhiều đợt khi cây nuôi quả. Ngoài ra, bổ sung các chất vi lượng qua phân bón lá.

(*) Bón phân (dựa trên điều tra nông dân)

Hình 6: Bón nhiều phân chuồng ủ hoai cho thanh long.

Hình: Bón nhiều phân chuồng ủ hoai cho thanh long.

  • Bón phân cho các vườn thanh long được xử lý ra hoa bằng đèn:

Do kích thích cây ra hoa và nuôi quả nhiều đợt trong năm và để cây bớt kiệt sức nên lượng phân bón và số lần bón đã phải tăng lên. Lượng phân bón trong năm cho mỗi trụ như sau:

  • Phân chuồng hoai: từ 15 kg đến 50 kg.
  • Phân NPK (16-16-8 hoặc 20-20-15) từ 1 kg tới 3 kg tùy tuổi cây và sản lượng mà cây đã cho mùa trước.
  • Phân KCl từ 0,1 kg tới 0,2 kg (bón lúc nuôi quả).

Ngoài ra quan sát cây để bổ sung phân đạm (Urea) từ 0,1 kg tới 0,2 kg (lúc ra chồi) và 0,1 kg tới 0,2 kg Super lân (trước lúc thắp đèn), phun kích thích tố Gibberelin và phân vi lượng nếu cần thiết. Sự chia phân bón làm nhiều lần sẽ làm phân ít bị rửa trôi, cây sử dụng hữu hiệu hơn.

(*) Bón phân (dựa trên điều tra nông dân)


  1. TƯỚI NƯỚC

Thanh long là cây chịu hạn tốt, nhưng nếu nắng hạn kéo dài, cành mới hình thành ít và phát triển rất chậm, cành bị teo lại và chuyển sang màu vàng, tỉ lệ rụng hoa ở các đợt hoa đầu tiên cao (>80%), quả nhỏ…

Tùy theo ẩm độ đất... mà nhịp độ tưới thay đổi từ 3 - 7 ngày/lần.

Chế độ tưới hợp lý cho cây Thanh long trong điều kiện đủ nước:

- Giai đoạn phát triển:

Cây 1 tuổi: mức tưới/lần ~23,3-29,5m3/ha; tổng mức tưới/năm ~725,4-842,6m3/ha

Cây 2 tuổi: mức tưới/lần ~36,5-44,1m3/ha; tổng mức tưới/năm ~1096,6-1379,7m3/ha

Cây 3 tuổi: mức tưới/lần ~52,5-61,6m3/ha; tổng mức tưới/năm ~1535,9-1803,0m3/ha - Giai đoạn sinh thực:

Cây >3 tuổi: mức tưới/lần ~71,5-82,1m3/ha; tổng mức tưới/ năm ~1937,5-2662m3/ha.

Hình 7: (A) Trên vùng đất cao, cần tưới 3 – 7 ngày/1 lần; (B) Ở vùng đất thấp, cần tưới 7-10 ngày/1 lần.

Hình: (A) Trên vùng đất cao, cần tưới 3 – 7 ngày/1 lần; (B) Ở vùng đất thấp, cần tưới 7-10 ngày/1 lần.


  1. TỈA CÀNH THANH LONG

Năm thứ 2: tỉa nhẹ để tạo tán dù.

Cuối năm thứ 3 mỗi trụ có độ 100 cành, phân bố đều trên đầu trụ. Tỉa cành già làm thông thoáng tán cây, giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi cành mới. Có 3 cách cắt tỉa:

  • Tỉa đầu: thực hiện sau thu hoạch hoặc trước đợt thu quả cuối cùng. Cắt tất cả các cành xấu, giữ lại khoảng 50 cành trên đầu trụ. Cắt 3/4 chiều dài của các cành già phía dưới, các tược non sẽ mọc ra.

Ưu điểm: Dễ làm, đỡ tốn công.

Khuyết điểm: qua nhiều năm các lớp cành chồng chất lên nhau nên bụi thanh long bị đôn lên cao.

  • Tỉa lựa: Lựa cắt các cành cần tỉa.

Ưu điểm: Tạo được sự thông thoáng, qua nhiều năm trụ không đôn lên cao. Giữ được sự cân đối giữa các cành của tán cây.

Khuyết điểm: Tốn công.

  • Tỉa sửa cành: Để kiểm soát số cành con trên cành mẹ (cành sừng trâu).
  • Chỉ giữ lại 1-3 cành con/cành mẹ, các cành con/mẹ xa nhau và phân bố đều.
  • Giữ lại các cành mập, khỏe, tỉa bỏ những cành mọc lòa xòa ra lối đi.
  • Do nhu cầu tạo quả trái vụ, một số cành già trước đây thường bị tỉa đi, nay được giữ lại để tạo cảm ứng ra hoa bằng thắp đèn.

Cắt tỉa cành Thanh Long

Hình: (A) Nhiều cành nhiễm bệnh cần cắt tỉa; (B) Cắt tỉa cành.


  1. KÍCH THÍCH RA HOA

Thắp đèn được xem là biện pháp xử lý ra hoa nghịch vụ hiệu quả nhất.

  • Thời gian thắp sáng liên tục từ 15-20 đêm tùy theo mùa và điều kiện thời tiết, thời gian thắp đèn từ 7-10 giờ/đêm. Sau khi ngưng thắp đèn 3-5 ngày thì cây ra hoa. Từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 52-54 ngày.
  • Trước khi thắp đèn 1 tuần cần phải bón phân đón hoa có tỷ lệ Lân và Kali cao, khi bắt đầu thắp đèn thì xử lý thêm phân NPK (6-32-32) hay MKP (Mono-potassium phosphate) với liều 100- 200 g/trụ để đạt tỷ lệ ra hoa cao nhất.

Thắp đèn kích thích ra hoa thanh long; (B) Thanh long ra hoa.

Hình: (A) Thắp đèn kích thích ra hoa thanh long; (B) Thanh long ra hoa.


  1. THU HOẠCH

Sau khi trái chuyển qua đỏ độ 3 ngày thì có thể thu trái. Đi dọc theo hàng, lựa cắt quả đúng chuẩn xếp vào gùi. Khi đầy gùi thì chuyển ra xếp vào cần xé xếp theo từng lớp có lót giấy hoặc rơm, sau đó chuyển đến nơi thu mua.

Thanh long chín lần 1, nếu không thu, thì 1 tuần sau trái sẽ xanh trở lại. Sau đó, sẽ chín đỏ một lần nữa. Với những trái đã chín lần 2, lần 3, độ ngọt sẽ nồng hơn, vỏ mỏng đi rất nhiều so với trái chín lần một, thịt trái giảm độ giòn, nhưng các chất dinh dưỡng lại nhiều hơn.

Tiêu chuẩn trái xuất khẩu: Trái có trọng lượng lớn, chuyển màu đỏ được 2 - 3 ngày, ngoại hình đẹp, vỏ không bị trầy sướt, các tai lá trên quả còn xanh tươi, không có vết chích của côn trùng, không có vết bệnh và không có bất cứ tồn dư thuốc hóa học nào trên ngưỡng cho phép để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Trái tiêu thụ trong nước: Thường được thu hái trễ hơn nên quả nặng, to hơn, và ngọt hơn thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước. Việc thu hoạch tiến hành giống như khi thu xuất khẩu nhưng không cần xử lý đóng thùng, chỉ cho vào cần xé, may miệng lại rồi chở đến nơi tiêu thụ.

Hình 10: Trái thanh long đến độ thu hoạch khi chin lần 1.

Hình 10: Trái thanh long đến độ thu hoạch khi chín lần 1.


QUẢN LÝ BỆNH HẠI THANH LONG

Đốm trắng (Neoscytalidium dimidiatum)

Quy luật phát sinh gây hại:

Bệnh chủ yếu xuất hiện và tấn công mạnh vào mùa mưa (tháng 5-11dl). Nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển từ 30-350C và ẩm độ càng cao tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh tấn công và lây lan nhanh.

Khả năng gây hại

  • Vết bệnh là những chấm trắng li ti nhỏ hơi lõm vào bề mặt bẹ hoặc trái.
  • Khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, các vết bệnh phát triển lan rộng ra, liên kết nhau thành từng mãng lớn làm sần sùi bề mặt cành hoặc gây thối từng mảng lớn.

Biện pháp quản lý

Hình 1:  (A) Bệnh đốm trắng trên trái thanh long; (B) Bệnh đốm trắng trên cảnh.

Hình: (A) Bệnh đốm trắng trên trái thanh long; (B) Bệnh đốm trắng trên cành.


Đốm nâu (Gloeosporium agaves)

Quy luật phát sinh gây hại

Bệnh phát sinh và gây hại nặng khi gặp điều kiện ẩm độ cao. Buổi sáng có sương mù nhiều cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển nhanh.

Khả năng gây hại

Bệnh đốm nâu trên thân và cành tạo thành những đốm tròn như mắt cua, màu nâu.

Vết bệnh rải rác hoặc tập trung tạo thành những vết dọc theo thân cành.

Các bệnh trên có thể làm thân cành phát triển kém, hoa và trái non bị rụng.

Biện pháp quản lý

  • Phòng trừ bằng chống úng và chống hạn cho cây.
  • Bón cân đối N-P-K và phân hữu cơ.
  • Khi phát hiện mới có bệnh dùng các thuốc có hoạt chất Azoxystrobin, Metalaxyl hay hỗn hợp (Mandipropamid + Chlorothalonil)… phun ướt đẫm các ngọn và cành cây.

 Vết bệnh đốm nâu trên thanh long.

Hình: Vết bệnh đốm nâu trên thanh long.


Nám cành (Macsonina agaves)

Quy luật phát sinh gây hại

Nắng nóng làm bỏng mô cây tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển. Tác nhân là nấm Macssonina agaves Syd và Sphaceloma sp. thuộc Họ Nectrioidaceae, Bộ Melanconiales, Lớp Deuteromycetes.

Khả năng gây hại

Vết bệnh đầu tiên là vết cháy nắng sau đó tại chỗ cháy nắng có một màng mỏng màu xám tro, nhám do nấm lớp mốc phát triển. Bệnh tấn công trên thân cành và gây hại nghiêm trọng, tác động rất lớn đến năng suất thanh long.

Biện pháp quản lý

  • Vệ sinh ruộng trồng. Cắt tỉa cành bệnh.
  • Chống úng và chống hạn cho cây.
  • Bón phân cân đối N-P-K
  • Tăng cường phân hữu cơ cho cây.

Phun thuốc có hoạt chất Azoxystrobin, Metalaxyl hay hỗn hợp (Mandipropamid + Chlorothalonil)...

Hình 3:  Triệu chứng bệnh nám cành thanh long.

Hình: Triệu chứng bệnh nám cành thanh long.


Thối đầu cành (Alternaria sp.)

Quy luật phát sinh gây hại

Bệnh thường phát sinh vào đầu mùa mưa.

Khả năng gây hại

Có thể gọi đó là bệnh thối ngọn hoặc thối đầu cành. Ngọn cành thanh long bị bệnh chuyển màu vàng, mềm ra, sau đó bị thối. Cây bị bệnh phát triển chậm, số cành giảm hẳn. Bệnh nặng làm cho cây bị chết ngọn và cành không thể phát triển được.

Biện pháp quản lý

  • Vệ sinh vườn cây, cách ly cây bệnh.
  • Khi phát hiện mới có bệnh dùng các thuốc có hoạt chất Azoxystrobin, Metalaxyl hay hỗn hợp (Mandipropamid + Chlorothalonil)... phun ướt đẫm các ngọn và cành cây. Các thuốc này cũng phòng trừ được nhiều bệnh khác trên cây thanh long.

Hình 4:  Bệnh thối đầu cành thanh long.

Hình: Bệnh thối đầu cành thanh long.


Thán thư (Colletotrichum gloeosporioides)

Quy luật phát sinh gây hại

Bệnh thán thư phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, ẩm độ cao, khi cây ra cành non nhiều. Khi cây ra hoa nếu có mưa hay sương ẩm nhiều cũng là điều kiện thích hợp cho bệnh phát triển nhiều lên và gây hại nặng thêm.

Khả năng gây hại

Trên cành vết bệnh bắt đầu từ mép cành lan dần vào bên trong. Vết bệnh dạng gần tròn hay bất định, tâm có màu nâu đỏ đặc trưng bởi những vòng đồng tâm màu nâu sậm. Trên trái vết bệnh là những đốm tròn hoặc gần tròn, có tâm màu nâu đỏ, lõm xuống, xung quanh có những vòng đồng tâm màu nâu sậm. Bệnh nặng có thể gây thối khô trái.

Biện pháp quản lý

  • Dọn cỏ, dây leo quanh vườn, tỉa cành, và tiêu hủy các bộ phận bị bệnh.
  • Khi trồng trụ sống, cần chặt tỉa cành lá.
  • Rút râu đã héo rủ ở đỉnh trái.
  • Không tưới nước lên tán khi cây bệnh
  • Bón nhiều phân hữu cơ đã ủ hoai mục.
  • Phun luân phiên các sản phẩm có hoạt chất Azoxystrobin, Metalaxyl hay hỗn hợp (Mandipropamid + Chlorothalonil)…

Hình 5:  (A) Thán thư trên cành thanh long; (B) Thán thư trên trái thanh long.

Hình: (A) Thán thư trên cành thanh long; (B) Thán thư trên trái thanh long.


Nắm bồ hóng (Capnodium sp.)

Quy luật phát sinh gây hại

Bệnh thường phát triển vào mùa nắng, do:

i) Trong mùa nắng, nụ bông và quả non thanh long thường tiết ra mật ngọt tạo điều kiện cho nấm bồ hóng tấn công lên ở những vị trí này;

ii) Do rầy hoặc rệp tấn công trên bẹ non thanh long, bài tiết ra chất mật và sau đó nấm bồ hóng có điều kiện tấn công.

Bệnh có thể tồn tại trên cành, quả bị nhiễm bệnh và phát tán nhờ gió, nước mưa, côn trùng,.v.v.

Khả năng gây hại

Bồ hóng phát triển tạo thành một lớp mụi đen (khói đèn) trên cành làm cho cây giảm khả năng quang hợp. Bệnh thường xuất hiện trên các vườn ít chăm sóc. Bệnh tấn công trên vỏ quả làm mất màu ngay tại vị trí vết bệnh. Trong trường hợp nhiễm bệnh nặng sẽ làm cho vỏ quả bị xù xì và làm giảm giá trị thương phẩm.

Biện pháp quản lý

  • Bón phân cân đối, hợp lý.
  • Sau thu hoạch, tiến hành tỉa cành tạo thông thoáng.
  • Trong mùa nắng, tưới nước đều đặn cho cây, có thể tưới phun mạnh để rửa trôi lớp mật này.

Phun thuốc gốc đồng kết hợp thuốc trừ rệp sáp, rầy mềm như Pymetrozin…

Hình 6:  Nấm bồ hóng trên trái thanh long.

Hình: Nấm bồ hóng trên trái thanh long.


Thối bẹ (Fusarium sp.)

Quy luật phát sinh gây hại

Bệnh xuất hiện quanh năm, phát triển nặng trong điều kiện nóng ẩm và thường tấn công trên những cành đã trưởng thành.

Khả năng gây hại

Đầu tiên là những vết sũng nước màu nâu, lây lan rất nhanh, làm thối cành mở đường cho vi khuẩn tấn công và có mùi hôi, sau đó phần mô này bị mất chỉ còn lại phần lõi gỗ ở giữa, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Bệnh nặng làm chết cả trụ thanh long.

Biện pháp quản lý

  • Vệ sinh ruộng trồng.
  • Chống úng và chống hạn cho cây.
  • Bón phân cân đối N-P-K
  • Tăng cường phân hữu cơ cho cây kết hợp với các sinh vật đối kháng (Trichoderma)

Hình 7: Thối bẹ thanh long.

Hình: Thối bẹ thanh long.


Đốm đen/rỉ sắt (Bipolaris sp.)

Quy luật phát sinh gây hại

  • Bệnh phát triển ở điều kiện ẩm ướt, ẩm độ không khí 80-90% và nhiệt độ 20-300C
  • Bệnh thường tồn tại trong xác bả thực vật có trong vườn hoặc trên bông bị bệnh.
  • Bệnh có thể lây lan qua gió, mưa, côn trùng, từ cây bệnh sang cây khoẻ…

Khả năng gây hại

Vết bệnh xâm nhiễm từ rìa tai nụ hoa và lan dần vào bên trong, ban đầu là những chấm nhỏ màu nâu đen, sau đó phát triển thành dạng elip thuôn dài, lõm ở giữa.

Khi bệnh tấn công ở vị trí đỉnh bông sẽ làm cho bông không nở được.

Biện pháp quản lý

  • Vệ sinh vườn, tiêu huỷ bộ phận bị bệnh.
  • Rút râu sau khi hoa nở khoảng 2-4 ngày
  • Phun hay các thuốc có hoạt chất Azoxystrobin, Metalaxyl hay hỗn hợp (Mandipropamid + Chlorothalonil)… để nhằm ngăn chặn mầm bệnh xâm nhiễm thông qua vết thương sau khi rút râu.
  • Bón cân đối thành phần N-P-K cho cây.
  • Bón phân hữu cơ + Trichoderma.

Bệnh đốm đen trên hoa thanh long.

Hình: Bệnh đốm đen trên hoa thanh long.


QUẢN LÝ SÂU HẠI THANH LONG

Rệp sáp (Pseudococus spp.)

Khả năng gây hại

  • Rệp phát triển mạnh trong mùa khô.
  • Chích hút nhựa ở tất cả các bộ phận của cây: cành non, nụ hoa, trái và rễ cây làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và tỷ lệ đậu trái. Chất thải của rệp tạo điền kiện cho nấm bồ hóng phát triển.

Biện pháp quản lý

  • Tỉa bỏ và tiêu huỷ cành bị hại nặng.
  • Dùng các sản phẩm có hoạt chất đặc trị rệp sáp phun ướt nơi rệp tấn công (cả rễ).
  • Khi rễ đang hồi phục có thể cung cấp thêm trung vi lượng.
  • Cần trừ rệp sau mỗi đợt thu hoạch trái hay vào mùa chuẩn bị chong đèn.

Hình 1: (A) Rệp sáp gây hại trên vỏ trái thanh long; (B) Rệp sáp có thể sống trong đất và phân bón gốc; (C) Rệp sáp gây hại trên thân cành thanh long.

Hình: (A) Rệp sáp gây hại trên vỏ trái thanh long; (B) Rệp sáp có thể sống trong đất và phân bón gốc; (C) Rệp sáp gây hại trên thân cành thanh long.


Bọ trĩ (Thrips sp.)

Khả năng gây hại

Bọ trĩ chích hút nhựa hoa và trái non làm ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu trái và gây hiện tượng “mắt võng” trên vỏ trái, tuy không làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng trái nhưng cũng làm giảm giá trị thương phẩm.

Biện pháp quản lý

  • Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt.
  • Trong mùa khô nóng, tưới đều đặn bằng cách phun mưa để cho vườn cây ẩm và mát, hạn chế bọ trĩ phát triển.
  • Bọ trĩ có sức kháng thuốc mạnh nên cần dùng luân phiên các hoạt chất Pymetrozin, Emamectin với Lufenuron…

Hình 2: (A) Bọ trĩ giai đoạn tiền nhộng; (B) Bọ trĩ trưởng thành; (C) Triệu chứng bọ trĩ gây hại trên trái.

Hình: (A) Bọ trĩ giai đoạn tiền nhộng; (B) Bọ trĩ trưởng thành; (C) Triệu chứng bọ trĩ gây hại trên trái.


Kiến lửa (Solenopsis geminata)

Khả năng gây hại

Kiến lửa thành trùng có màu nâu đỏ. Chúng cắn, đục phá cành làm hư hom giống. Tấn công trên trái và tai lá làm giảm giá trị thương phẩm. Trên vườn cây lâu năm kiến lửa đục phá cả phần gốc ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.

Biện pháp quản lý

Việc phòng trừ kiến tương đối dễ dàng. Dùng các thuốc sâu dạng hạt hay cốm có thành phần hoạt chất Thiamethoxam trộn với cát hay đường rải quanh gốc hoặc những nơi kiến làm tổ. Cũng có thể phun lên cây bằng các thuốc có hoạt chất Fipronil

Hình 3:  (A) Kiến gây hại trên cành thanh long; (B) Kiến đóng tổ và gây hại trên cành.

Hình:  (A) Kiến gây hại trên cành thanh long; (B) Kiến đóng tổ và gây hại trên cành.


Kiến đen/kiến riện (Cardiocondyla wroughtoni)

Khả năng gây hại

Kiến thành trùng màu nâu đen, chúng thường sinh sản và trú ẩn ở các cành khô và vỏ thân của các cây trụ. Kiến riện đục phá nụ hoa, trái non và trái chín làm giảm giá trị thương phẩm.

Biện pháp quản lý

Việc phòng trừ kiến tương đối dễ dàng. Dùng các thuốc sâu dạng hạt như Actara 25WG (*) trộn với cát hay đường rải quanh gốc hoặc những nơi kiến làm tổ. Cũng có thể phun lên cây bằng các thuốc trừ sâu có hoạt chất Fipronil

Hình 4: (A) Kiến riện gây hại trên hoa thanh long; (B) Kiến riện gây hại trên nụ hoa thanh long.

Hình: (A) Kiến riện gây hại trên hoa thanh long; (B) Kiến riện gây hại trên nụ hoa thanh long.


Bọ hung đục cành (ngâu) (Protaetia sp.)

Khả năng gây hại

Thành trùng là loài bọ cánh cứng màu nâu đen, rất bóng, trên cánh có những mảng màu trắng rất đặc trưng. Thành trùng gây hại bằng cách đục phá cành non, cành già và cả nụ hoa làm ảnh huởng đến tỷ lệ đậu trái.

Biện pháp quản lý

  • Cày đất sâu, vun gốc, làm cỏ kết hợp với diệt sâu non dưới gốc
  • Tưới đủ nước để hạn chế sự phát triển của ấu trùng trong đất.
  • Bắt bằng tay bọ trưởng thành xuất hiện rộ vào tháng 4-5-6.
  • Phun các thuốc trừ sâu có hoạt chất Emamectin

Hình 5:  Ngâu gây hại cành thanh long.

Hình:  Ngâu gây hại cành thanh long.


Câu cấu xanh lớn (Hypomeces squamesus)

Khả năng gây hại

Câu cấu xanh ăn hết các lộc non, cành non và quả non làm cho cây sinh trưởng, phát triển kém, giàm năng suất. Con trưởng thành thường hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều tối, ban ngày, chúng chậm chạp, bị động thì lẩn trốn hoặc giả chết.

Biện pháp quản lý

  • Dùng tay hoặc vợt bắt bọ lớn.
  • Phun thuốc khi sâu phát sinh nhiều bằng các thuốc trừ sâu có hoạt chất Emamectin… lưu ý các thời điểm vào đầu và cuối mùa mưa.

Câu cấu xanh lớn hại thanh long.

Hình: Câu cấu xanh lớn hại thanh long.


Bọ xít (Mictis longicornis)

Khả năng gây hại

Cả thành trùng và ấu trùng đều chích hút trên cành non, hoa và trái cây. Kích thước từ 6-15mm. Vết chích làm mô cành, trái hư hoại và thành những nốt mụn nhọt sần sùi, trái có thể rụng. Trái non bị biến dạng, mất giá trị thương phẩm.

Biện pháp quản lý

  • Phun xịt bằng các thuốc gốc thảo mộc như dầu cây neem, cây xoan (gốc Azadirachtin). Một số dịch chiết từ các cây khác như cây tỏi, cứt lợn, trúc đào, cúc vạn thọ, ngải tây…cũng có tác dụng xua đuổi bọ xít…
  • Phun các thuốc trừ sâu có hoạt chất Pymetrozin.

Hình 7: (A); (B); (C) Bọ xít hại thanh long.

Hình: (A); (B); (C) Bọ xít hại thanh long.


Rệp muội (Aphis spp.)

Khả năng gây hại

Rầy mềm có nhiều loại gây hại trên hoa và trái chích hút nhựa làm hoa bị rụng. Trên trái để lại những vết chích nhỏ, khi chín bị mất màu đỏ tự nhiên, giảm giá trị thương phẩm. Khí hậu khô nóng làm gia tăng mật số gây hại của rầy mềm.

Biện pháp quản lý

Cắt tỉa, chôn vùi các bộ phận có rầy gây hại.

Không nên bón nhiều phân đạm.

Có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu có hoạt chất Pymetrozin …

Hình 8:  Rầy mềm hại thanh long.

Hình: Rầy mềm hại thanh long.


Ruồi đục quả (Bactrocera spp.)

Khả năng gây hại

Ruồi để trứng trên vỏ trái, dòi sau khi nở sẽ sống bên trong trái. Khi đó sẽ thấy bên ngoài vỏ có vết châm kim và ứa nước vàng. Mùa mưa là giai đoạn ruồi sinh sản mạnh và gây hại nặng cho nhà vườn. Có khả năng làm thất thoát >50% năng suất.

Biện pháp quản lý

  • Loại bỏ các cây là ký chủ của ruồi.
  • Thu lượm và tiêu hủy các quả bị hư.
  • Sử dụng bẫy màu vàng sẽ hấp dẫn ruồi
  • Phun bả protein (Ento-pro hoặc Sofri Protein) để tiêu diệt ruồi trưởng thành. Các biện pháp trên cần được thực hiện trên diện rộng và thường xuyên.
  • Phun các thuốc trừ sâu có hoạt chất Cyromazine ở thời điểm ruồi vừa để trứng hay trứng vừa nở.

Ruồi vang hại thanh long

Hình: A. Ruồi vàng trưởng thành; B. Ruồi vàng đẻ trứng trên cây thanh long


Ốc sên (Achatina fulice)

Khả năng gây hại

Ốc sên (ốc ma) có kích thước lớn, vỏ ốc có sọc trắng, có “lưỡi” dài, phía đỉnh đầu có 2 cái ăng-ten (mắt) phía trước. Chúng thường sống trong các bụi cây, hàng rào, xác bã thực vật,… Ban đêm, chúng bò ra ăn cành non, ngọn non, nụ hoa,…

Biện pháp quản lý

  • Thường xuyên làm vệ sinh vườn để hạn chế ốc sên trú ẩn như hố rác trong vườn.
  • Nên bắt bằng tay khi phát hiện chúng.
  • Cần bảo vệ một số loài chim ăn mồi.
  • Có thể sử dụng bả diệt ốc bằng cách trộn thuốc Metaldehyde, Niclosamide với bông thanh long, rải trong vườn thanh long (hàng rào, hố rác,...)

Hình 10:  Ốc sên hại thanh long.

Hình: Ốc sên hại thanh long.


“Bà chằng” (Limax sp.)

Khả năng gây hại

  • “Bà chằng” có cơ thể thuôn dài, mềm mại, có màu nâu xám đến nâu đen, thường tiết ra chất nhờn bao quanh cơ thể. Chúng thường sống ở những nơi rậm rạp hoặc sống trong đất và gây hại vào ban đêm trên đọt non, bông và quả.

Biện pháp quản lý

  • Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ vườn.

Cần có biện pháp bảo vệ một số loài chim ăn mồi là thiên địch của “bà chằng” như: bìm bịp... Có thể sử dụng bả diệt ốc bằng cách dùng bông thanh long trộn với thuốc diệt ốc (Metaldehyde, Niclosamide) rải theo trong vườn thanh long nơi hàng rào, hố rác...

Hình 11:  Bà chằng hại thanh long.

Hình: Bà chằng hại thanh long.


Bọ xít xanh (Rhynchocoris poseidon)

Khả năng gây hại

Bọ xít hại thanh long từ khi có nụ hoa đến khi trái hình thành, chúng chích hút nhựa, để lại những vết chích rất nhỏ nhưng đến khi quả chín nơi các vết chích sẽ xuất hiện một chấm đen, mất giá trị xuất khẩu.

Biện pháp quản lý

Phun các thuốc trừ sâu có hoạt chất Pymetrozin… lên khu vườn có bọ xít xuất hiện.

Hình 12: (A) Ấu trùng bọ xít xanh hại thanh long; (B) Bọ xít xanh trưởng thành hại thanh long.

Hình: (A) Ấu trùng bọ xít xanh hại thanh long; (B) Bọ xít xanh trưởng thành hại thanh long.


Tuyến trùng (Medoilogyn sp.)

Khả năng gây hại

Tuyến trùng chích hút hoặc chui vào trong rễ làm cho rễ cây phình ra tạo thành các khối u (bướu rễ), làm cho cây chậm phát triển, còi cọc. Những vết chích tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập vào trong cây.

Biện pháp quản lý

Khi phát hiện dấu cây bị tuyến trùng gây hại cần tưới gốc bằng Tervigo 20SC cho cây (4-6 lít/ha)…(*)

Tuyen trung hai thanh long


Nguồn: Syngenta Việt Nam

AnBIO.vn

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận