Nhện đỏ hại phong lan và cách phòng trị hiệu quả

Qua quan sát một vài vườn lan cho thấy loài nhện này có cơ thể rất nhỏ (khoảng gần một mm), nếu không thật chú ý thì mắt thường khó có thể phát hiện. Muốn quan sát kỹ hơn cần phải có kính lúp có độ phóng đại lớn. Qua kính lúp các bạn sẽ thấy cơ thể chúng hình bầu dục, có 8 chân. Màu sắc cơ thể thay đổi tùy theo tuổi của chúng,khi mới nở có màu xanh vàng nhợt, lớn lên chúng chuyển sang màu hồng và lúc trưởng thành có màu đỏ đậm.

Cả nhện trưởng thành và nhện non đều tập trung ở mặt dưới của những lá đã chuyển sang giai đoạn bánh tẻ trở đi để cạp và hút dịch của lá, tạo ra những vết chấm có màu trắng nhỏ li ti giống như bụi cám. Số vết cạp càng tăng lên thì lá càng bị hại nặng hơn và chuyển dần sang màu nâu đen rồi khô héo dần, rồi rụng, làm cho cây lan còi cọc, mất sức rất nhiều. Loài nhện này gây hại cho cây lan chủ yếu trong mùa khô, còn trong mùa mưa tác hại của chúng thường không nhiều. Ngoài các loài trong giống lan "Dend" (Dendrobium) như : Dend. chrysotosum var (Kim điệp); Dend. primulinum (Long tu); Dend. linleyi (vẩy cá); Dend. draconis (Nhất điểm hồng)... chúng còn gây hại trên nhiều loài của các giống lan khác như Vanda (Vân lan); Phalaenopsis ( Hồ điệp); Oncidium (vũ nữ)...

Theo chúng tôi các bạn đã chưa sử dụng đúng loại thuốc, vì thuốc BVTV có rất nhiều loại, nhưng đa số là thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ... còn thuốc dùng để trừ nhện chỉ có ít loại, đấy là chưa kể có thể các bạn đã mua đúng loại thuốc nhện... Muốn trừ diệt nhện đỏ các bạn phải sử dụng các loại đặc trị nhện thì mới có kết quả. Sau đây chúng tôi giới thiệu với các bạn một số loại thuốc để các bạn tham khảo và sử dụng:Pesieu 500SC, BIHOPPER 270 EC, DẦU KHOÁNG SK EnSpray 99EC, COMDA 250EC, Ortus 5EC, Polo 500EC, Cascade 5EC...Những loại thuốc này có bán ở cửa hàng thuốc BVTV. Trước khi dùng các bạn nhớ đọc kỹ hướng dẫn có in sẵn trên vỏ bao bì. Nhớ là phải luân phiên sử dụng các loại thuốc, dù thuốc đó rất tốt. Còn về cách xịt để cho thuốc bám dính được với mặt dưới của lá, và phải xịt kĩ cả trong các khe kẽ của cây lan, có như vậy thuốc mới có cơ hội tiếp xúc được nhiều hơn với con nhện, hiệu quả của thuốc mới cao.

Thêm một điều nữa mà các bạn cần nhớ cho là không nên xịt thuốc định kỳ vài ngày một lần, mà phải kiểm tra theo dõi thường xuyên ( nhất là trong mùa khô) bằng kính lúp hoặc kính lão có độ phóng đại lớn, khi nào thấy có nhiều nhện thì mới xịt thuốc, làm như vậy không những đỡ tốn kém tiền thuốc, công phun xịt, giảm bớt độc hại do hơi thuốc bay vào trong nhà, khu sinh hoạt... mà còn không làm tăng tính kháng thuốc đối với nhện. Sau khi phun xịt thuốc các bạn nhớ phun xịt thêm phân bón lá giúp cho cây lan nhanh chóng phục hồi sức khỏe.


Clip: Phòng trừ nhện đỏ gây hại trên cây hoa hồng (Tham khảo thêm)


Trích: Hỏi đáp về phòng trừ dịch hại cây trồng (quyển 3) Cây hoa kiểng

Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận