Bù lạch (Bọ trĩ) hại cây hoa mai và cách phòng trị

Mô tả về sâu bệnh:

Cứ mỗi đợt cây mai vàng ra đọt, lá non thì trên những đọt non lá non này lại xuất hiện những con vật nhỏ xíu như đầu mũi kim, dài khoảng trên dưới một ly màu trắng, màu xám hoặc màu nâu đen... bò nhanh. Làm cho những đọt non, lá non này bị "cháy", quăn queo... không phát triển được, làm lá của cây mai còi cọc, không thể phát triển bung ra được.

Hiểu biết rõ hơn:

Chúng tôi cho rằng con vật nhỏ xíu trên cây hoa mai là con bù lạch (bọ trĩ). Chính cái con vật nhỏ xíu này đã làm cho đọt non, lá non của cây mai nhà bạn bị "cháy", vì thế muốn cho cây mai không còn tiếp tục bị hại như vậy thì chỉ còn có cách là phải trừ diệt bằng được con bù lạch này.

Con bù lạch đặc điểm là mỗi khi cây mai ra đọt non thì con  trưởng thành của chúng sẽ di chuyển từ nơi khác tới đẻ trứng bắt đầu nở ra con bù lạch non. Cơ thể của bù lạch rất nhỏ, đẫy sức cũng chỉ dài khoảng hơn 1mm. Cả con trưởng thành và con ấu trùng đều chích hút nhựa của những đọt non, lá non, tạo ra những vết lấm tấm trắng nhỏ li ti. Những lá bị hại sẽ mất dần chất dinh dưỡng, phát triển không bình thường, nhỏ lại, mép lá bị "cháy", nếu nặng có thể làm cho cả lá non, đọt non của cây mai bị "cháy", lá còi coc, xơ xác không phát triển được.

Khi những lá bị hại chuyển sang giai đoạn bánh tẻ và già, thức ăn không phù hợp cho chúng, chúng lại di chuyển sang những lá non khác để chích hút và gây hại. Bù lạch thường gây hại nhiều trong mùa khô, khi mùa mưa đến mật số bù lạch sẽ giảm dần. Vài năm gần đây loại sâu hại này ngày một nhiều hơn cho những vùng trồng mai chuyên canh của một số nơi, nhiều chủ vườn mai cho biết diệt trừ loại sâu hại này tương đối khó vì chúng lờn thuốc tương đối nhanh.

Để phòng trị loại bù lạch này, bạn có thể tiến hành như sau:

Khi tưới nước cho cây mai, bạn nên dùng loại máy bơm có áp suất mạnh xịt thẳng tia nước vào những chỗ mà bù lạch "cư trú" để rửa trôi bớt chúng, với cách làm này bạn cũng sẽ làm giảm bớt được mật số của một số đối tượng dịch đang gây hại trên cây mai như nhện đỏ, rệp sáp...

- Nếu mật số bụ lạch cao bạn có thể sử dụng một vài loại thuốc trừ sâu thường dùng như: YAMIDA 100EC; CONFIGENT 3GR; Confidor 200SL; AMICO 10EC; Regent 5SC... Khi phun xịt thuốc bạn nhớ phun ướt đều cả mặt dưới của lá mai. Về liều lượng và cách thức pha chế bạn có thể đọc hướng dẫn của hãng sản xuất có in sẵn trên nhãn thuốc.


          Trích: Phòng trừ dịch hại cây trồng quyển 3 Cây hoa kiểng - Nguyễn Danh Vàn.

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận