Phòng trị bệnh thối nhũn hại lan hồ điệp

Vào mùa mưa qua trên lá non thỉnh thoảng thấy có một chấm nhỏ nhìn như bị phỏng nước sôi, sau đó nhanh chóng lan rộng dần ra cả lá rồi biến thành màu vàng nâu, mọng nước. Khi bóp thì thấy lớp nhớp, hiện tượng này lây lan rất nhanh sang các lá khác.



Nếu đúng như vậy thì cây lan đã bị bệnh thối nhũn do vi khuẩn Erwinia carotovora gây ra. Đây là một bệnh thường gặp trên cây lan, nhất là vào mua mưa. Không riêng gì giống lan Hồ điệp (Phalaenopsis), hay Cát lan (Catleya) của bạn mà chúng còn gây hại cho nhiều giống lan khác như Oncidium (Vũ nữ), Rhynchostys gigantea (Ngọc điểm), Vanda (Vân lan), Paphionpedilum (Lan hài), Dendrobium (Đăng lan)...

Ngoài cây lan loại vi khuẩn này còn gây hại cho nhiều loại cây trồng khác như: cải bắp, khoai tây, tần ô, hành, tỏi... và một vài loại cây ăn trái khác. Vi khuẩn xâm nhập vào cây lan thường là qua các vết cắn chích của côn trùng, hoặc do các vết thương cơ giới do mưa gió hay do ta vô ý tạo ra trong quá trình chăm sóc cây... Lúc đầu chỗ bệnh chỉ là những chấm nhỏ nhìn như bị phỏng nước sôi, sau đó lan ra rất nhanh cho cả lá (nhất là khi trời có mưa hoặc tưới quá nhiều tạo ẩm độ không khí cao), làm cho lá mất màu xanh biến dần sang màu vàng nâu và sau đó thành màu nâu, lá bị mọng nước. Khi bóp lá sẽ thấy lầy nhầy và có mùi khó ngửi. Tốc độ hủy diệt của bệnh rất nhanh, nếu không phát hiện sớm và có biện pháp chữa trị kịp thời thì chỉ trong dăm ba ngày cả bộ lá của cây sẽ bị ảnh hưởng rất nặng. Kinh nghiệm thực tế cho thấy bệnh này thường gây hại nhiều cho cây lan khi ẩm độ không khí trong giàn lan quá cao (do mưa, do tưới nước nhiều, nhất là tưới vào lúc chiều tối, làm cho cây lan bị ướt sũng nước suốt cả đêm), điều kiện này lại gặp cây lan quá tốt lốp do bón nhiều phân đạm thì cây lan lại càng dễ bị bệnh nặng hơn. Trong các loại lan thì lan hồ điệp thường bị bệnh gây hại nhiều nhất.

Để phòng trị bệnh bạn nên tiến hành một số công việc sau:

- Thường xuyên quan sát để phát hiện và diệt trừ kịp thời rầy, rệp, nhện đỏ trên cây lan để hạn chế vết thương do chúng cắn, chích, đồng thời trong khi chăm sóc tránh tạo ra vết thương cơ giới cho cây, để hạn chế bớt các "cửa ngõ" xâm nhập của vi khuẩn vào trong cây.

- Hạn chế dùng những loại phân có tỷ lệ N (đạm) cao, để tránh làm cho cây quá tốt lốp, dễ bị bệnh gây hại nặng.

- Khi cây đã bị bệnh ngưng ngay việc tưới bón phân đạm, nhất là những loại phân bón qua lá có tỷ lệ đạm cao.

- Khi cây đã bị bệnh nên ngưng tưới nước vài ngày, cắt bỏ chỗ bị thối sau đó dùng một trong các loại thuốc như New Kasuran BTN, Starner 20WP, Benlate 50WP, Fundazol 50WP... để phun xịt (về cách dùng thuốc xin bạn đọc kĩ hướng dẫn có in trên bao bì). Khi phun thuốc bạn nhớ phun ướt cả chậu lan và giàn theo.

- Nếu cây đã bị bệnh quá nặng bạn nên gỡ cây ra khỏi chậu, rồi ngâm cây trong dung dịch nước thuốc của những loại thuốc đã nói ở trên, nhấc cây ra cho ráo nước rồi trồng sang chậu mới. Trước khi treo chậu lan mới trồng lại lên giàn bạn nên khử trùng giàn lan bằng cách lau rửa sạch giàn lan bằng dung dịch Formol pha với nước theo tỷ lệ cứ 2 phần Formol 40% pha với 100 phần nước lã (chú ý trong quá trình thao tác không để dung dịch Formol dính vào da, bay vào mắt, mũi). Sau khi trồng khoảng 5-7 ngày, tiếp tục phun một đợt thuốc nữa cho cả giàn lan.

Trích: Phòng trừ dịch hại cây trồng quyển 3 Cây hoa kiểng - Nguyễn Danh Vàn.

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận