Sử dụng Boóc-đô trong Nông nghiệp
- Dung dịch Boóc-đô (Bordeaux) hay còn gọi là "phèn xanh vôi" được đa số người làm nông nghiệp đều nghe nói đến và có thể tự pha chế để sử dụng nhưng không phải ai cũng pha chế và sử dụng đúng cách. Chúng tôi xin giới thiệu đến bà con cách pha chế và sử dụng để bà con tham khảo và thực hiện có hiệu quả cao.
- Nguyên liệu để pha chế dung dịch thuốc Boóc-đô là vôi sống hay còn gọi là vôi tươi (Ca(OH)2 ) và sulfat đồng (CuSO4).
Cách pha chế dung dịch thuốc Boóc-đô
- Dung dịch Boóc-đô có thể được pha chế theo nhiều nồng độ và nhiều phương pháp khác nhau. Tuỳ theo liều lượng, cách pha chế mà nước thuốc Boóc-đô có màu sắc và phẩm chất khác nhau. Tuy nhiên trong nông nghiệp người ta thường pha chế nồng độ 1% (1:1:100).
Muốn pha chế dung dịch thuốc Boóc-đô nồng độ 1%, bà con thực hiện theo cách như sau:
- Ví dụ muốn có 100 lít nước thuốc, bà con phải lấy 1kg sulfat đồng hoà tan với 80 lít nước sạch trong dụng cụ chứa là lu, vại, thùng… bằng nhựa, sành sứ, không dùng dụng cụ chứa bằng kim loại do dễ bị thuốc ăn mòn, làm thủng). Tiếp theo, lấy 1kg vôi sống (nếu là vôi đã tôi thì dùng khoảng 1,3kg) hoà tan trong 20 lít nước trong một dụng cụ khác.
- Sau khi đã có dung dịch sulfat đồng và nước vôi thì bà con đổ từ từ dung dịch sulfat đồng vào nước vôi, vừa đổ vừa khuấy đều tay theo một chiều nhất định. Nhớ là đổ theo tuần tự trên, không được đổ ngược lại, tức là không được đổ dung dịch nước vôi vào dung dịch sulfat đồng vì nước vôi sẽ bị kết tủa, không hòa tan được hết.
Kiểm tra dung dịch vừa pha chế:
- Lấy một cây đinh còn mới hoặc đã được mài bóng hay mài sáng đầu mũi một con dao mỏng bằng sắt để nhúng vào nước thuốc vừa pha khoảng 1- 1,5 phút. Lấy đinh (hoặc mũi dao) ra, sẽ thấy có một lớp màu gạch bao phủ ở trên đinh (mũi dao), để ra ngoài không khí một lát, nếu lớp đó chuyển sang màu đen thì nước thuốc còn chua (độ pH thấp) dễ gây hại cho cây trồng. Như thế bà con phải điều chỉnh bằng cách thêm nước vôi từ từ cho đến khi nào thử lại không thấy hiện tượng bị đen như trên mới đạt yêu cầu. Ngoài ra, có thể thử bằng giấy quỳ, độ PH kiềm là được.
- Sản phẩm dung dịch thuốc Boóc-đô khi pha thành công, đạt yêu cầu thường có màu xanh da trời, không mùi.
- Pha ở các nồng độ khác cũng tương tự cách pha nồng độ 1% trên. Ví dụ pha nồng độ 5%: Pha sulfat đồng, vôi sống và nước với tỷ lệ 1: 4: 15. Hòa tan hoàn toàn 1 kg sulfat đồng trong 5 lít nước và 1 kg vôi trong 10 lít nước còn lại. Các các bước tiếp theo pha tương tự như dùng cho nồng độ 1%.
Cách sử dụng dung dịch thuốc Boóc-đô:
- Dung dịch thuốc Boóc-đô (BORDEAUX) 1% được dùng để phòng trừ nhiều loại bệnh hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau chủ yếu do nấm hay vi khuẩn gây ra như bệnh thán thư, bệnh gỉ sắt hại lá cà phê hay bệnh chết nhanh chết chậm, tiêu điên trên cây hồ tiêu và các bệnh lở loét, thối thân, xì mũ trên các cây ăn quả, cây cao su cũng như trên các loại cây trồng khác...
- Dung dịch Boóc-đô 2%, 3%… số lượng vôi tươi và đồng sulfat càng tăng theo tỉ lệ thì nồng độ độc càng cao, càng nguy hiểm. Vì càng đậm đặc sẽ khiến cho lá không hô hấp được do các khí khổng bị thuốc bịt lại, có thể gây rụng lá hàng loạt. Nên bà con cần cân nhắc khi pha chế và sử dụng nồng độ cao để phun. Nếu bà con pha đậm đặc với tỷ lệ 5 % thì chỉ được dùng để bôi trực tiếp lên vết bệnh, (dung dịch booc-do 5% được khuyến cáo dùng để bôi trực tiếp lên vết bệnh, như nấm hồng trên cây cao su hay cà phê, bệnh thối thân trên cây sầu riêng...) tuyệt đối không cho vào bình để phun. Phải chú ý, tránh xa người và vật nuôi, không để vương vải… Thuốc dùng thừa phải xử lý đúng cách, không đổ ra môi trường. Sau khi bôi, nấm trên vết thương bị tiêu diệt, ngăn ngừa được sự lây lan. Nhưng nồng độ đậm đặc thường gây ra chết cành không mong muốn… nên bà con hết sức thận trọng.
- Để thuốc có tác dụng tốt, phải kiểm tra bệnh trên cây trồng thường xuyên, khi thấy bệnh chớm phát sinh thì phải phun thuốc kịp thời. Nếu để trừ bệnh thì phun 7-10 ngày 1 lần, nếu để phòng bệnh thì phun 1 tháng 1 lần. Phun thuốc bám đều trên cả hai mặt lá, trên cành và thân.
- Dung dịch Boóc-đô tương đối ít độc với người và gia súc, gia cầm, mật ông nhưng rất độc với cá (bà con không nên phun xuống ruộng có nuôi cá, không rửa bình xịt hay đổ thuốc dưới ao hồ).
- Cần dự trù lượng thuốc sử dụng vừa đủ trong ngày. Không nên pha chế quá nhiều, để qua ngày sau thuốc sẽ mất phẩm chất. Tốt nhất là dùng đến đâu pha thuốc đến đó.
- Không phun thuốc vào lúc trời mưa, nhiều sương, ẩm ướt, trời nắng gắt hoặc lúc cây đang ra hoa. Tốt nhất là phun vào buổi sáng và chiều khi trời đã dịu nắng.
- Không nên phun cho những cây mẫn cảm với thuốc như: cà chua, đậu nành, măng cụt, thuốc lá, không phun cho rau, củ, quả sắp thu hoạch…
Thanh Tùng
Nguồn: Trung Tâm Khuyến Nông Quảng Trị
AnBIO.vn
Bài viết cùng danh mục:
- 0 Bình luận